Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Tranh cát đám cưới

Đời người có nhiều sự kiện quan trọng . Lễ thành hôn là khởi đầu là bước ngoặt ý nghĩa và trọng đại để bắt đầu một chương mới, trên con thuyền đưa ta đến bến bờ hạnh phúc, trong niềm vui dào dạt ấy các cặp đôi tay trong tay cũng không khỏi có phút giây bồi hồi nhớ về mái ấm về công ơn trời biển của các bậc sinh thành ... Có nhiều cách thể hiện tình cảm ấy, trong đó Tranh cát động là hình thức truyền tải thông điệp giản dị nhưng không kém phần tinh tế, sâu sắc mà lắng đọng được nhiều cặp đôi lựa chọn trong ngày vui của mình ...


Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

 Tranh cát động được Đài truyền hình VTC mời hợp tác sản xuất chương trình "TINH HOA XƯA" đang phát trên VTC1 vào lúc 20h50 các ngày : Thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần và phát lại cùng giờ các ngày: Thứ ba, thứ năm, chủ nhật. Kính mời anh chị em và các bạn cùng xem và cổ vũ cho ê-kíp nhé 

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Đời sống văn hóa Tranh cát động và khát vọng...hàn lâm

Bài viết trên Văn nghệ Công an :
http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Tranh-cat-dong-va-khat-vong-han-lam-386922/
14:53 25/03/2016

Tranh cát động đang trở thành những “kịch mục” được ưu tiên chọn lựa trong khá nhiều các sự kiện, chương trình, giúp nghệ sĩ giành được một số giải thưởng cao. Nghệ sĩ khẳng định họ hoàn toàn có thể sống bằng nghề. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc đưa nghệ thuật biểu diễn tranh cát động trở thành môn nghệ thuật độc lập, được công nhận như các nghệ thuật khác tại Việt Nam vẫn là hành trình dài, nhiều trăn trở đối với người hoạt động trong lĩnh vực này.
Được giới chuyên môn ghi nhận với 2 huy chương vàng trong 2 vở “Âm binh” (năm 2012) và “Cát trắng như gạo” (năm 2015), Đặng Trí Đức cũng là một trong những nghệ sĩ biểu diễn tranh cátđộng hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, với không ít người, tên tuổi của anh chỉ… “rõ ràng” với “cơn sốt” album “Nhật ký của mẹ” của nữ ca sĩ Hiền Thục. Đặng Trí Đức thẳng thắn thừa nhận, thu nhập từ công việc biểu diễn tranh cát động giúp các nghệ sĩ như anh “sống khỏe”. Có những show biểu diễn, Trí Đức được trả thù lao đến 5.000USD.
Trong “làng” tranh cát động Việt hiện nay, ngoài Đặng Trí Đức còn có một số tên tuổi khác: Thế Nhân, Anh Vũ… Có người chuyên về biểu diễn phục vụ trong các sự kiện, có người chuyên về biểu diễn sân khấu và thường là các tiết mục đi kèm một chương trình nào đó, có người đa năng hơn – như Trí Đức có thể “đá” trên cả hai sân nói trên. Nghệ sĩ tranh cát động có khá nhiều “đất” để “canh tác”. Họ có thể được mời đến biểu diễn phục vụ từ các đám tiệc thôi nôi, đám cưới, kỷ niệm ngày cưới đến kỷ niệm thành lập công ty…

Biểu diễn phục vụ miễn phí nhằm đưa nghệ thuật tranh cát động đến với công chúng tại TP Hồ Chí Minh.
Với các sự kiện này, nghệ sĩ nhận hợp đồng, xây dựng kịch bản theo đúng cốt truyện yêu cầu của đối tác. Kịch bản thường là những câu chuyện minh họa rất cụ thể. Với lễ kỷ niệm ngày thành lập một công ty thì đó phải là câu chuyện kể về công ty từ những ngày đầu thành lập, quá trình phát triển, thành tựu đạt được. Tất nhiên, toàn bộ câu chuyện được nghệ sĩ kể bằng hình ảnh của tranh cát động trên nền nhạc và có sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ chiếu sáng.

Trở thành loại hình biểu diễn khá được ưu ái chọn lựa nhưng không ít nghệ sĩ tâm sự rằng, cả người biểu diễn tranh cát phục vụ sự kiện hay biểu diễn sân khấu đều chưa hẳn được xã hội công nhận như một nghệ sĩ biểu diễn thực sự. Có trường hợp, nghệ sĩ nhận hợp đồng biểu diễn phục vụ sự kiện, về hì hục xây dựng kịch bản theo nội dung yêu cầu, chuẩn bị âm nhạc phù hợp, dày công tập luyện cho nhuần nhuyễn, nhưng đến phút chót, người thuê đổi ý, có khi ngưng ngang. Dù sau đó có được trả thù lao hay không, với nghệ sĩ tranh cát động luôn là cảm giác hụt hẫng, buồn vì lao động sáng tạo của bản thân không được coi trọng và chưa đến được đích cần đến.
Lý do là với tranh cát động, kết thúc hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ không phải là một sản phẩm có thể sờ, nhìn, lưu lại trưng bày cho mọi người khác đến sau cùng chiêm ngưỡng như tranh cát tĩnh. Dấu ấn lưu lại sau mỗi tiết mục biểu diễn tranh cát động chỉ là cảm xúc, ấn tượng trong lòng người xem. Khi hợp đồng ngưng ngang cũng đồng nghĩa với việc “đứa con” tinh thần của người nghệ sĩ ấy đã không có cơ hội “chào đời”.
Với những “đứa con” mà người nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết, có khi đó còn là nỗi đau. Bởi nghệ sĩ biểu diễn tranh cát động cũng như các nghệ sĩ khác, họ khát khao sáng tạo và cũng mong muốn sáng tạo ấy tiếp nhận, chia sẻ với các thành viên trong cộng đồng…
Nghệ sĩ Trí Đức cho biết, hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, tranh cát động đã trở thành nghệ thuật được công nhận, có hệ thống đào tạo bài bản, thậm chí cả viện nghiên cứu riêng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tranh cát động trong mắt của nhiều người, vẫn chỉ là một vài tiết mục nhỏ lẻ nhằm tạo thêm “gia vị” lạ hơn cho các chương trình hoặc chỉ là sản phẩm biểu diễn minh họa. Nghệ sĩ biểu diễn tranh cát Việt chủ yếu tự học, học qua kiểu nghề truyền nghề. Tuy đã có thành lập câu lạc bộ của các nghệ sĩ biểu diễn tranh cát, có cả trang web riêng làm nơi trao đổi thông tin nhưng vẫn mang tính tự phát.
Không chấp nhận cách nhìn nghệ thuật biểu diễn tranh cát động như một công cụ kiếm sống đơn thuần, những năm gần đây, nghệ sĩ biểu diễn tranh cát động đã có những nỗ lực nhằm khẳng định vị trí trong “làng” nghệ thuật. Chỉ có điều, một đôi vòng nguyệt quế cho nghệ sĩ chưa đủ tạo thanh thế cho tranh cát động, trong khi, mỗi ghi nhận đều thấm đẫm mồ hôi và đầy thách thức.
Với “Âm binh”, vở diễn góp phần mang về huy chương vàng đầu tiên cho nghề biểu diễn tranh cát động, nghệ sĩ Trí Đức chia sẻ rằng anh đã không chỉ phải tập luyện ròng rã nhiều ngày. Khó khăn còn nằm trong chính mỗi show diễn khi anh phải ngồi biểu diễn liên tục suốt hơn hai tiếng đồng hồ trên sân khấu. Sau vài chục lần “ngồi thiền” như thế, thay vì cảm xúc hào hứng, thôi thúc sáng tạo, có khi “thách thức” với chính anh là sự… buồn ngủ.
Mới đây nhất, ngay trước khi chương trình “Vọng phu” ra mắt khán giả tại TP Hồ Chí Minh, câu chuyện của ê kíp thực hiện đã khiến không ít người cám cảnh thay những người dành tâm huyết cho nghệ thuật tranh cát động. “Vọng phu” là chương trình mang tính thử nghiệm đầu tiên, nằm trong “Họa cát” - dự án “dài hơi”của nghệ sĩ Trí Đức và nhiều nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhằm khẳng định vị thế của tranh cát động về mặt nghệ thuật. Chương trình không bán vé. Tuy nhiên, ê kip làm chương trình cũng không kiếm được một nhà tài trợ nào. Các nghệ sĩ tham gia xây dựng chương trình đều tự bỏ tiền túi để làm.
Nghệ sĩ Trí Đức tâm sự rằng, dự án đã được anh ấp ủ gần chục năm nay,  Ý nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ các họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn khác. Tất cả cũng thống nhất việc xây dựng các sản phẩm thử nghiệm phải trên tinh thần lồng ghép, đưa được các giá trị truyền thống của văn hóa Việt đến với công chúng.
Hình ảnh người vợ bồng con tiễn chồng và đoàn Hùng binh Hoàng Sa lên đường trên nền nhạc là tiếng Ốc U tạo xúc động cho người xem “Vọng phu”.
Chủ đề đầu tiên là “Vọng phu” tôn vinh dân tộcViệt Nam là một dân tộc anh hùng. Sự chờ đợi của phụ nữ Việt Nam qua bao thế hệ đã thành huyền thoại. Họ chờ đến hóa thành đá - Hòn Vọng Phu. Nhưng nơi họ hóa đá cũng là nơi tồn tại một tình yêu vĩnh hằng…
Kịch bản “Vọng phu” hoàn thành, họa sĩ Hải Âu chuyển câu chuyện thành hình ảnh và nghệ sĩ Trí Đức có trách nhiệm chuyển tải câu chuyện bằng tranh. Người chịu trách nhiệm chính trong phần âm nhạc là nhạc sĩ trẻ Đặng Tiến Đạt.
Thống nhất chọn miền Trung làm bối cảnh chính, câu chuyện “Vọng phu” cũng mặn mòi bởi hương vị của biển và cả nước mắt của lớp lớp các thế hệ thiếu phụ chờ chồng. Ý tưởng là thế nhưng đến phần nhạc nền cho cảnh trai tráng tập hợp lên đường đánh giặc và đoạn người thiếu phụ hát ru con, tất cả cứ loay hoay chọn đi chọn lại bởi đã rất nhiều nhạc cụ, nhiều khúc hát ru được chọn lựa và thử đi thử lại nhưng không ai hài lòng.
Chỉ đến khi Tiến Đạt tình cờ đọc, nghe và đưa tiếng Ốc U cùng bài hát ru của người cô phụ trông chồng ở huyện đảo Lý Sơn vào “Vọng phu”, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm. Ngày “Vọng phu” ra mắt, tiếng Ốc U - âm thanh tập hợp và giục giã lên đường của đội hùng binh Trường Sa nơi huyện đảo Lý Sơn mỗi khi nước nhà nguy biến cùng tiếng hát ru con của người cô phụ qua giọng thể hiện của nữ ca sĩ Vân Khánh khiến người nghe muốn nổi da gà mà rơi nước mắt…
Để có 30 phút biểu diễn “Vọng phu” trên sân khấu và những cảm xúc, suy ngẫm từ chương trình để lại trong lòng công chúng, ngoài nhóm họa sĩ, nghệ sĩ của Trí Đức còn có sự chung tay góp sức của nhiều nghệ sĩ khác: nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, ca sĩ Vân Khánh, nhóm Mặt Trời Mới… Đóng góp là chính, thù lao, nếu có nhận, chỉ mang tính tượng trưng. Mong ước của các nghệ sĩ là nhiều show diễn khác với nhiều chủ đề khác phục vụ công chúng cả nước.
Và, đích đến xa hơn, như chia sẻ của nghệ sĩ Trí Đức là sự công nhận tranh cát động như một nghệ thuật biểu diễn độc lập, có tính hàn lâm trong đời sống xã hội. Thực tế, “Vọng phu” vẫn chưa thực sự tạo được tiếng vang như mong muốn. Tranh cát động vẫn cần thêm những cuộc bứt phá thật ngoạn mục hơn mới đủ sức tác động sâu rộng và thay đổi cách nhìn nhận về vị thế của chính mình trong đời sống nghệ thuật.
Ngọc Nguyễn


Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

Chúc Mừng Năm Mới 2016

Nhân dịp năm mới, cầu mong cho những đều tốt đẹp nhất sẽ đến với tất cả các bạn. Ai cũng đẹp... Ai cũng xinh... Ai cũng lung linh... Chúc các bạn có một năm mới hạnh phúc bên người thân và gia đình ! 
Happy New Year !!!